Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 là nghĩa trang cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên, nằm bên chân Đồi A1, được xây dựng năm 1958. Đây là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn các phần mộ liệt sĩ đều chưa xác định được tên tuổi.

Những ngày đầu tháng 5, hàng nghìn du khách thập phương tìm về nghĩa trang, thành kính dâng vòng hoa, thắp nén hương tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh.

Nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở về với mảnh đất lịch sử, về với Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 để thắp những nén hương cho đồng đội, những người đã không tiếc xương máu và tuổi xuân, chiến đấu cho độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc.

Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đều đã ngoài 90 tuổi, cùng thắp hương tưởng nhớ trên 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can - những cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc.

Ông Bùi Kim Điều (94 tuổi, quê ở Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình) từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ thông tin liên lạc tại Tiểu đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Ông Điều lặng người trước những ngôi mộ của đồng đội nhưng chưa thể xác định danh tính.

Ông Điều bồi hồi nhớ lại trận chiến mà ông nhớ nhất, trận đánh cứ điểm Him Lam, nơi được quân Pháp coi là "cánh cửa thép" bất khả xâm phạm. Năm 1958, ông Điều trở lại Điện Biên xây dựng nông trường, lập gia đình và sinh sống cho đến ngày nay.

Ông Nguyễn Phương Đàn (99 tuổi) là Tiểu đội trưởng tiểu đội 3 người (Tiểu đội 11, Đại đội 7, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) tham gia chiến đấu đối đầu trực tiếp với quân Pháp ở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Đàn nhớ lại, sau khi tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ và giành chiến thắng hoàn toàn, ông cảm thấy sung sướng vô cùng vì chiến tranh đã kết thúc, ông biết nhân dân Việt Nam không ai thích chiến tranh. Chỉ 2 ngày sau, ông cùng đơn vị hành quân về xuôi, cũng không kịp ở lại để ăn mừng chiến thắng.

Ông Đàn cùng ba người anh em họ đều tham gia chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, anh họ và hai người em đều đã hi sinh trước ngày toàn thắng 7/5/1954.

Cũng như ông Điều, ông Đàn quê gốc Hà Tĩnh nhưng sau đó đã trở lại Điện Biên, hiện nay sống ở phường Nong Bua, TP Điện Biên Phủ.

Người dân, du khách dâng hương ở khu vực bảng vàng hai bên cổng chính đi vào nghĩa trang, nơi ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được thống kê theo các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhiều trường học tại Điện Biên và các tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức các chuyến tham quan, đưa các em học sinh tới Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 để thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.

Tối 4/5, Tỉnh đoàn Điện Biên đã tổ chức Lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hàng trăm ngọn nến được thắp sáng, xếp thành hình ngôi sao 5 cánh, bên trong là số 70 thể hiện cho dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - cùng Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Điện Biên cùng dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Nguyễn Thị Mai, chuyên viên Ban Xây dựng đoàn (Tỉnh đoàn Điện Biên) cho biết, trong buổi tối 4/5, hàng nghìn ngọn nến tri ân đã được đồng loạt thắp lên trên 4 nghĩa trang lớn của tỉnh Điện Biên để tri ân các anh hùng, chiến sĩ đã ngã xuống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Riêng tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, hơn 200 đoàn viên, thanh niên đã tham gia các hoạt động tri ân đầy ý nghĩa.